Kiến thức Tài chính kế toán Sức mua vẫn xuống dốc bất chấp giá giảm

Sức mua vẫn xuống dốc bất chấp giá giảm

63
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamThời gian qua, sau khi có những điều tiết giá cả thị trường, chỉ giá số tiêu dùng đã giảm nhưng nhìn chung sức mua vẫn rất thấp
Sau 40 tháng liên tục “đạt đỉnh” ở mức dương, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 6 đã bắt đầu giảm phát với mức âm 0,26%. Đây được coi là mức tăng thấp nhất so với các tháng 6 kể từ năm 2003 trở lại đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại, tín hiệu này chẳng lấy làm vui, bởi thực tế, lạm phát giảm mạnh là do sản xuất đình đốn, hàng tồn kho tăng cao, sức mua thấp chứ không phải do các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, giảm chi phí. Cũng theo khảo sát của PV , chỉ một số mặt hàng giảm nhẹ, còn lại hầu hết vẫn “kiên định” giữ giá dù sức mua đã xuống dốc.

Thực phẩm vẫn “cố thủ” giá

Theo khảo sát của PV, tại chợ đầu mối Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội), giá rau xanh đã hạ nhiệt so với thời gian trước nhưng vẫn “cố thủ” ở mức cao. Một tiểu thương tại đây cho biết, nguyên nhân giá rau giảm do diện tích rau bị hỏng, giập nát sau những trận mưa kéo dài hồi đầu tháng đã hồi phục. Lượng rau đổ về chợ đầu mối càng nhiều nên giá bắt đầu giảm. Hiện, rau cải ngọt giá chỉ còn 10.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; rau muống 3.000 đồng/mớ, giảm 1.000 đồng/mớ; rau dền 5.000 đồng/2 mớ, giảm 1.500 đồng/mớ; rau mùng tơi 1.500 đồng/mớ, giảm 2.500 đồng/mớ; rau đay, rau ngót còn 1.000 đồng/mớ, giảm 2.000 đồng/mớ…
Cũng theo tiết lộ của chủ hàng này, sở dĩ mức giảm chỉ nhỏ giọt vì giá vàng tăng vù vù, giá thực phẩm nhập vào cũng tăng. Chị này nhận định, thực phẩm vẫn sẽ tiếp tục “cố thủ” giá trong thời gian tới và có thể sẽ tăng mạnh nhất vào thời điểm cận Tết. Thực tế, do giá quá cao nên nhiều người dân đã đắn đo hơn trong mua sắm, lượng mua hàng ngày cũng giảm hơn. Sức mua trong tháng 6 vẫn tiếp tục giảm hơn so với tháng 5 và các tháng trước đó.
Trong khi giá rau xanh tại các chợ trên địa bàn Hà Nội bắt đầu giảm do nguồn cung dồi dào thì giá thịt lợn vẫn giậm chân tại chỗ mặc dù giá lợn hơi xuất chuồng đã giảm nhiều trong thời gian vừa qua. Tại chợ Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), giá thịt lợn vẫn “đạt đỉnh” ở mức cao và không có dấu hiệu giảm trong thời gian tới. Hiện, thịt lợn thăn tại đây có giá 110.000 đồng/kg; thịt mông, ba chỉ, vai giá 90.000 đồng/kg; sườn giá 80.000 – 90.000 đồng/kg. Thịt bò giá 220.000 đồng/kg loại ngon, loại thường giá dao động từ 160.000 – 180.000 đồng/kg. Thịt gà công nghiệp giá 55.000 – 70.000 đồng/kg tùy loại. Giá thịt lợn mặc dù giảm so với thời điểm trước nhưng mức giảm không đáng kể.
Trái ngược với diễn biến lên xuống bất thường tại chợ đầu mối, tại các siêu thị giá lương thực, thực phẩm vẫn ở mức ổn định. Trao đổi với PV , đại diện siêu thị BigC (Hà Nội) cho biết, hiện, giá các mặt hàng này vẫn giữ ở mức ổn định. Riêng các loại thịt đã được điều chỉnh giảm giá cách đây một tháng. “Tuy nhiên, do siêu thị thường xuyên đưa ra các chương trình ưu đãi nên tính ra, giá một số sản phẩm có thể rẻ hơn tháng trước”, vị này nói thêm.
Đại diện siêu thị BigC cũng cho biết thêm, giá các mặt hàng trong siêu thị luôn được giữ ổn định trong một khoảng thời gian nhất định. Riêng với mặt hàng tươi sống như rau, củ quả, thịt gia súc, gia cầm, ngoài việc cam kết số lượng với nhà cung cấp, siêu thị cũng đẩy mạnh việc tìm nguồn hàng để đảm bảo đủ cung cấp cho nhu cầu mua sắm của người dân. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống như thịt gà, thịt lợn, thịt bò nội BigC cũng đưa ra các sản phẩm mới để phong phú sự lựa chọn cho khách hàng.
Vị lãnh đạo này khẳng định: “Việc lên xuống theo giá xăng, sức mua, nguồn cung, thời tiết không thể “nhạy” như đối với các chợ. Việc cung ứng hàng vào siêu thị phải theo kế hoạch, hợp đồng, kiểm duyệt chất lượng nên không có chuyện nhảy giá thất thường hay phản ứng quá nhanh vì một yếu tố nào đó. Sự ổn định là để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”.

“Thượng đế” vẫn “thắt lưng buộc bụng”

Theo quy luật cung cầu, các chủ hàng giảm giá nhằm mục tiêu kích thích mua sắm. Nếu như trước đây, khi giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh thì sức tiêu thụ hàng hóa tại chợ cũng như siêu thị sẽ tăng lên. Tuy nhiên, theo nhiều chủ hàng bán lẻ tại chợ và các siêu thị, mặc dù giá hàng hóa đã hạ nhiệt đôi chút nhưng “thượng đế” vẫn thờ ơ, cân đong đo đếm mỗi khi móc hầu bao mua sắm. Đại diện một số siêu thị cũng cho biết, sức mua chung giảm, đa số các hóa đơn mua hàng cũng có số tiền thanh toán thấp hơn trước đây. Điều này cho thấy, người dân đang thắt chặt chi tiêu khiến cho hàng hóa tại các chợ càng ngày tiêu thụ càng chậm.
Chị Thu Hà, nhân viên kinh doanh của công ty VCC (Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: “Ngày trước đi chợ thường không để ý đến giá cả, thích gì mua đó. Nhiều khi phóng tay hơi quá, tiêu đến vài triệu. Giờ kinh tế khó khăn, ai ai cũng thắt chặt chi tiêu, cắt giảm cái này cái kia. Giờ tiền đi chợ mình cũng bắt đầu tính toán để cân bằng khoản thu chi, chỉ mua đủ không có dư thừa mua những thứ cần thiết”.
Trao đổi với PV , ông Vũ Vĩnh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Trên thực tế, lãi suất dù giảm nhiệt song vẫn ở mức cao, lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp lớn, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh trong khi đầu ra không tăng giá mà còn phải giảm… cũng đang gây nhiều sức ép lên thị trường. Các loại sản phẩm siêu đắt, siêu sang vẫn có nhiều đại gia lắm tiền nhiều của mua và những sản phẩm rẻ cho những người nghèo vẫn bán được. Nhưng nhìn chung, tất cả đều ở cung trầm, chưa có nhiều khởi sắc.
Cũng theo ông Phú, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ đại diện cho 50% mức sinh hoạt cuộc sống nói chung. Riêng lương thực, thực phẩm cũng đã có đến cả nghìn loại, không gói gọn như danh mục mặt hàng mà Tổng cục Thống kê tính nên CPI chưa phản ứng hết được thực tế. “Nhìn người công nhân, nông dân, cán bộ sống thế nào mới là cách đánh giá chính xác nhất. Sức mua của người dân giảm, buộc các hãng cung ứng sản xuất phải hạ giá để đẩy hàng tồn kho. Tuy nhiên, việc giảm giá hiện mới chỉ rõ nét với thịt lợn, thịt gà công nghiệp, còn hải sản, rau củ quả… vẫn đứng giá.”, ông Phú nói.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội dự đoán, trong thời gian tới, giá cả chắc chắn sẽ không tăng tuy nhiên sức mua rất khó tăng trưởng trở lại. 80% sức mua vẫn đang tập trung vào mặt hàng lương thực thực phẩm, với các loại hàng hóa khác, chỉ khi thực sự cần người ta mới mua. “Chỉ còn cách giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập của người tiêu dùng để nâng tăng sức mua. Mặt hàng nào giá bất hợp lý thì phải tiếp tục giảm xuống. Do khả năng tiêu thụ trên thị trường yếu nên cần đẩy mạnh chống hàng lậu hàng giả, cải tiến năng suất lao động và tổ chức lại hệ thống thu mua, phân phối để hạ giá thành. Riêng chỉ số CPI tháng 6, đừng nhìn vào những con số này mà đã cho rằng đây là điều đáng mừng. Điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải tìm cách kéo giá cả xuống chứ không phải tìm cách kiềm chế không cho tăng giá”, ông Phú nói.
Ông Vũ Vĩnh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, sức mua tại các siêu thị đang giảm từ 10 – 20% do người dân ngày càng “thắt lưng buộc bụng”. Các sạp hàng trong chợ đóng cửa, các siêu thị than phiền bị giảm doanh số là diễn biến chung của thị trường hàng hóa hiện nay. Chúng ta nên nhớ rằng, từ đầu năm tới nay, giá sữa, giá hàng loạt các sản phẩm thiết yếu đã tăng mạnh từ 7-12%. Còn hiện nay, giá có giảm nhưng lại chỉ giảm nhẹ ở mặt hàng thực phẩm như rau, củ; còn thịt bò, thủy hải sản vẫn đứng giá do e ngại thông tin dịch bệnh, chất tạo nạc trong thịt.
Anh Văn

Theo Người đưa tin

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không