Kiến thức Tài chính kế toán Chặng đường 4 năm thực hiện Luật quản lý thuế

Chặng đường 4 năm thực hiện Luật quản lý thuế

126
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamSau hơn 4 năm thực hiện Luật quản lý thuế (kể từ 1/7/2007) đã đạt được mục tiêu đơn giản thủ tục, rõ ràng, minh bạch; tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của Nhà nước, cộng đồng xã hội trong việc thực hiện quản lý thuế. Tuy nhiên, đến nay, Luật quản lý thuế cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng được xu thế phát triển của thực tiễn. 

Tạo điều kiện hơn cho người nộp thuế

Nhìn lại 4 năm thực hiện Luật quản lý thuế, đánh giá của ngành Thuế và Hải quan cũng nhìn nhận một số hạn chế trong quá trình thực thi luật. Một số nội dung quy định tại Luật quản lý thuế còn chưa đáp ứng mục tiêu cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế; chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Thứ nhất, về tần suất khai thuế: Nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được kê khai thuế GTGT 03 tháng/lần, còn các doanh nghiệp lớn kê khai 01 tháng/lần. Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, chỉ quy định kê khai theo tháng, khai theo năm hoặc theo từng lần phát sinh, chưa có quy định khai theo quý. Do đó, chưa có cơ sở để quy định cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được kê khai thuế theo quý. Hơn nữa, về thời gian khai bổ sung: Luật hiện hành quy định thời gian được khai bổ sung 60 ngày chưa phù hợp với thực tế, do đó chưa tạo điều kiện để người nộp thuế có thời gian kiểm tra phát hiện sai sót, giảm phạt.
Thứ hai, về thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan thuế. Nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan thuế đối với một số vấn đề như: giảm thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 05 ngày làm việc ngày xuống 03 ngày làm việc; rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 06 ngày làm việc; giảm thời hạn giải quyết đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Do đó, Luật quản lý thuế cũng cần thiết phải rà soát, sửa đổi cho phù hợp với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba, về hồ sơ của người nộp thuế (NNT) gửi cho cơ quan thuế: Luật quản lý thuế quy định một số chứng từ, tài liệu đối với một số hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật cho thấy một số tài liệu không cần thiết, không phù hợp khi gửi hồ sơ cho cơ quan thuế như NNT phải nộp “chứng từ nộp thuế” đối với hồ sơ hoàn thuế trong khi cơ quan thuế đã có dữ liệu quản lý số thuế đã nộp của ngưòi nộp thuế hoặc NNT phải nộp “tờ khai quyết toán thuế” trong hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền phạt đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản trong khi Quyết định tuyên bố phát sản là quyết định cao nhất. Do đó cần phải nghiên cứu, loại bỏ bớt các chứng từ không cần thiết trong hồ sơ của NNT gửi cho cơ quan thuế.

Điểm nóng-Thời gian quyết toán thuế

Một điểm nóng, trong quá trình thực thi Luật quản lý thuế được cộng đồng xã hội quan tâm, rất cần có sự nghiên cứu điều chỉnh, đó là thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Luật quản lý thuế hiện nay quy định thời hạn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất là ngày 31/3 của năm tiếp theo (90 ngày). Thời hạn 90 ngày là quy định chung cho tất cả các doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp lớn như các tập đoàn, tổng công ty. Trên thực tế các doanh nghiệp này phải tổng hợp dữ liệu từ các công ty con vào báo cáo tài chính hợp nhất. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, báo cáo tài chính nộp kèm theo báo cáo quyết toán thuế còn phải được kiểm toán bởi doanh nghiệp kiểm toán độc lập (theo quy định của pháp luật về kế toán). Do đó, các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp có vốn ĐTNN thường phát sinh việc chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế năm, dẫn đến phải nộp phạt chậm nộp hồ sơ khai quyết toán thuế.

Khúc mắc hạn nộp thuế và xóa nợ thuế

Về gia hạn nộp thuế, Luật quản lý thuế quy định thời gian gia hạn nộp thuế không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Trên thực tế việc giải quyết gia hạn nộp thuế đối với trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn đặc biệt, theo quy định của Chính phủ thường kéo dài do phải xem xét tới nhiều yếu tố, cần có ý kiến của nhiều cơ quan. Vì vậy, khi được chấp thuận gia hạn nộp thuế đã vượt quá thời gian bắt đầu tính gia hạn nộp thuế nên khó xác định cho NNT được gia hạn tính từ thời điểm nào?
Về xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, Luật quản lý thuế quy định các trường hợp được xoá nợ thuế là doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt và cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ. 
Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định trên cho thấy còn có một số trường hợp khác phát sinh như có nhiều trường hợp nợ thuế, nợ phạt không phải do chủ quan của doanh nghiệp mà do nguyên nhân khách quan (các thay đổi trong hệ thống chính sách thuế, hải quan, cải cách doanh nghiệp từ 1990 đến nay, tác động của khủng hoảng kinh tế vào các năm 1998 -1999 và năm 2008-2009), gây khó khăn cho việc xác định số tiền thuế phải nộp, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp với các khoản nợ phát sinh do lịch sử để lại chưa được xử lý. Do vậy, trên thực tế hiện còn tồn tại những khoản nợ thuế đang thuộc diện khoanh nợ cần được xem xét để xử lý xoá nợ nhưng chưa có quy định để xử lý.

Cần nâng tầm hoạt động quản lý thuế

Đánh giá của Bộ Tài chính cũng cho thấy, một số nội dung quy định về quản lý thuế cần được nâng tầm, đáp ứng mục tiêu cải cách, hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong thời gian qua, Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005 ngày càng được áp dụng sâu rộng trong hoạt động quản lý thuế; ngành thuế đang tích cực triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020. Tuy nhiên, Luật quản lý thuế vẫn còn một số nội dung quy định về quản lý thuế chưa đáp ứng mục tiêu cải cách, hiện đại hoá và hội nhập, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, cơ quan thuế chưa có thẩm quyền được ban hành văn bản hướng dẫn trước về thuế đối với những giao dịch cụ thể có quy mô lớn, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế (ví dụ áp mã HS, xác định giá tính thuế nhập khẩu, xác định xuất xứ hàng hoá, thoả thuận trước về phương pháp tính giá – APA).
Việc áp dụng cơ chế ban hành các văn bản hướng dẫn trước về thuế đối với từng giao dịch cụ thể ( APA) sẽ tạo điều kiện cho cơ quan thuế dễ dàng hơn trong việc quản lý hoạt động đầu tư và xác định nghĩa vụ thuế của nhà đầu tư nước ngoài; tạo sự ổn định và dự báo trước được về số thu, giảm bớt gánh nặng giải quyết khiếu nại, tranh chấp về thuế. Đồng thời, cũng sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho các doanh nghiệp đảm bảo sự ổn định, chủ động và có thể dự báo trước nghĩa vụ thuế phát sinh, tạo điều kiện tuân thủ thủ tục kê khai, kiểm hoá, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ khi áp dụng Biểu thuế XNK tại các cửa khẩu khác nhau./.

Theo MOF

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không