Khoản nợ khiến đất nước này có nguy cơ phá sản cấp quốc gia, làm sụp đổ Liên minh Châu Âu (EU) và kéo theo khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Hiện giờ gói viện trợ phối hợp 110 tỷ euro, và kế tiếp là gói 1.000 tỷ euro của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để Hy Lạp đối phó khủng hoảng nợ công, có hy vọng giúp thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới dần ổn định… Cần có thời gian để đúc kết những bài học kinh nghiệm về quản lý tài chính quốc gia; nhưng dưới góc độ quản lý ngân sách công ty, thì từ việc quan sát Hy Lạp, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học để tránh tình trạng công ty bị sụp đổ vì thâm hụt ngân quỹ nặng nề.
Bài học thứ nhất. Đừng tiêu xài như một người giàu chỉ vì được xếp vào nhóm người giàu.
Gia nhập “câu lạc bộ nhà giàu” Eurozone, đứng chung với các nước Tây Âu giàu có, Hy Lạp cũng tự cho rằng mình đã trở thành nước giàu, trong khi thực tế Hy Lạp vẫn đang là một quốc gia còn nghèo khó. Theo chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), Hy Lạp đứng thứ 109; xếp hạng môi trường kinh doanh, Hy Lạp có thứ hạng gần chót, tính ra còn thua nhiều quốc gia trung bình và nghèo ở châu Phi như Ai Cập, Ethiopia và Lebanon. Thói quen tiêu “hoang” của Hy Lạp như các nước nhà giàu từ việc vay nợ tràn lan đã làm gánh nợ ngày càng cao, dẫn đến bị sụp đổ.
Bài học doanh nghiệp: Nhiều doanh nhân quản lý các công ty còn eo hẹp về tiềm lực nhưng cũng thực thi nhiều chính sách như các doanh nghiệp lớn (marketing, PR, xe hơi, tiền lương nhân sự cao cấp…) để “bằng chị bằng em” trong các câu lạc bộ doanh nhân sẽ làm cạn kiệt tài chính, trong khi lẽ ra phải tranh thủ mối quan hệ để hợp tác hoặc nhờ hỗ trợ giúp phát triển công ty.
Bài học thứ hai. Đừng đầu tư vào các dự án lớn chỉ vì được vay vốn dễ dàng.
Thế vận hội Athens 2004 là một cơ hội không thể nào tốt hơn để Hy Lạp gia tăng các dự án đồ sộ của mình. Tuy nhiên, các nguồn lợi không chắc chắn trong tương lai sẽ không bù đắp nổi chi phí đầu tư quá lớn trong hiện tại mà phần lớn từ vay vốn. Nhiều chuyên gia nhất trí rằng, sụp đổ Hy Lạp có nguyên nhân quan trọng từ việc đầu tư tràn lan các công trình thế vận hội 2004 từ nguồn vốn trái phiếu quá dễ dàng. Thật ra năm 2005, IMF đã cảnh báo đầu tư Olympic Athens 2004 đã tạo ra khoản nợ xây dựng 15 tỷ USD, đến nay vẫn chưa có nguồn để trả, trong khi có sân vận động chi đến 250 triệu USD chỉ sử dụng mỗi vào thế vận hội rồi bỏ hoang.
Bài học doanh nghiệp: Hiện nay nhiều công ty vẫn theo đuổi những dự án có quy mô vốn lớn vượt rất xa năng lực tài chính của mình vì hy vọng sẽ có Nhà nước hoặc các Tổ chức tài chính nước ngoài cho vay ưu đãi. Không nói đến đa phần các trường hợp này đều phi thực tế, thậm chí còn bị lừa đảo thiệt hại tiền bạc. Ngay cả trường hợp được nguồn vay đó thì khả năng phá sản là rất cao vì năng lực tài chính nội tại quá yếu.
Bài học thứ ba. Đừng chi phí quá mức khả năng và đừng để mất kiểm soát nguồn thu.
Khi mổ xẻ nguyên nhân phá sản của Hy Lạp, các chuyên gia đưa nguyên nhân quan trọng là chi phí lương và phúc lợi cao ở Hy Lạp tạo ra gánh nặng ngân sách, nó còn làm cho tính cạnh tranh của nền kinh tế nước này yếu đi. Nhiều công chức Hy Lạp được nghỉ hưu trước 60 tuổi với mức lương hưu bằng 3/4 mức lương khi còn đi làm. Những chính sách “xa xỉ” hiếm gặp ở những quốc gia giàu có hơn như Mỹ. Trong khi ưu ái chi phí cho bộ phận công chức không trực tiếp tạo ra nguồn thu thì Hy Lạp lại thất thu nặng nề từ kinh tế ngầm. Theo ước tính, kinh tế ngầm có quy mô khoảng 20-30% nền kinh tế chính thức, giá trị trốn thuế hàng năm lên tới 30 tỷ USD. Nếu thu đủ nguồn thuế này thì ngân sách Hy Lạp có khả năng cân đối ngân sách. Đối lại, các yếu kém đó thì người lao động đang bị gánh nặng từ những lợi ích do lương công chức cao, tham nhũng, trốn thuế.
Bài học doanh nghiệp: Thu hút nhân tài với mức lương cao là xu thế hiện đại. Tuy nhiên với những doanh nghiệp còn nhỏ thì mức lương ưu đãi cho các bộ phận quản lý gián tiếp trong khi công nhân trực tiếp bị xiết lương sẽ tiềm ẩn gánh nặng chi phí rất cao. Một điểm quan trọng nữa là nhiều doanh nghiệp không kiểm soát tốt nguồn thu của mình, để cho cán bộ cấp dưới (kế toán, kinh doanh, đầu tư…) trục lợi, trong khi lại chi phí rất lớn cho các kế hoạch kinh doanh mới – sẽ đưa doanh nghiệp vào chỗ sụp đổ.
Bài học thứ tư. Vay lãi suất cao là nguy cơ quan trọng nhất làm sụp đổ doanh nghiệp.
Quan sát tình trạng nợ Hy Lạp cho thấy, nguồn thu hạn hẹp trong khi phải trả khoản lãi quá cao so với các nước giàu – điều đó làm ngân sách ngày càng thâm hụt. Thống kê cho thấy lãi suất trái phiếu Hy Lạp cao gần gấp đôi so với Pháp và Đức.
Bài học doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp khát vốn kinh doanh đã chấp nhận vay với lãi suất cao hơn khả năng sinh lời của mình. Hậu quả là càng kinh doanh thì công ty càng tăng nợ vì lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi, phải vay nợ mới để trả lãi. Trong các năm 2008 – 2010 có những thời điểm doanh nghiệp phải vay lãi suất trên 20%/năm, trong khi suất sinh lời trên vốn (ROE) chỉ khoảng 15%. Nếu khoản vay này chỉ là tình thế ngắn hạn thì còn có thể chấp nhận được, nhưng nếu vay cho đầu tư trung hạn thì hết sức nguy hiểm.
Bài học thứ năm. Hiệu quả kinh doanh sẽ quyết định khả năng trả nợ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hy Lạp đã vay quá mức, nợ công của Hy Lạp tương đương 113% GDP. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác cũng đang hoặc từng có những tỷ lệ nợ tương tự mà không hề lâm vào khủng hoảng (ví dụ năm 1946, nước Mỹ có mức nợ tương đương 122% GDP). Vấn đề khác nhau là Mỹ không hề giảm số nợ vay, nhưng tỷ lệ nợ công so với GDP của Mỹ giảm dần tới mức đáy 33% vào năm 1981. Nguyên nhân khác biệt là GDP Mỹ trong giai đoạn này gia tăng với tốc độ cao khoản nợ.
Bài học doanh nghiệp: Việc vay nợ cao không phải luôn luôn xấu. Trong những giai đoạn có cơ hội tăng trưởng mạnh thì gia tăng vay nợ là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là khoản vay này phải đầu tư hiệu quả, đúng chỗ để giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Do vậy hiệu quả đầu tư là cốt lõi để giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt.
Theo kinhteungdung
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông